
Thoát vị đĩa đệm l5s1 là gì và 5 biến chứng nguy hiểm bạn cần biết
Đĩa đệmThoát vị đĩa đệm L5 S1 là bệnh lý xảy ra khá phổ biến ở người trung tuổi và người già tại nước ta. Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nặng nhất là tàn phế nếu người bệnh không có biện pháp điều trị kịp thời. Vậy bệnh thoát vị đĩa đệm L5 S1 là gì, nguyên nhân, triệu chứng của bệnh ra sao, cách điều trị và phòng ngừa như thế nào. Tất cả câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
Thoát vị đĩa đệm L5 S1 là gì?
Thoát vị đĩa đệm L5 S1 là bệnh lý xuất hiện tại vị trí đốt sống lưng L5 S1. Trong đó, L5 là vị trí đốt sống cuối cùng của phần cột sống thắt lưng, S1 là vị trí xương cùng thứ nhất trong cột sống. Chính bởi vậy mà đoạn cột sống L5 S1 giữ vai trò quan trọng là điểm tựa chính của xương cột sống.
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng nhân nhầy bị thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi do đĩa đệm bị lệch ra ngoài khiến nứt, rách các bao xơ. Các nhân nhầy này chèn ép vào ống sống, các rễ thần kinh sống gây ra các cơn đau nhức ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động của người bệnh.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm L5 S1
Bệnh lý thoát vị đĩa đệm L5 S1 có thể bắt nguồn từ một trong các nguyên nhân dưới đây:
- Do tuổi tác: Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng màng bao xơ của đĩa đệm bị rách hoặc nứt khiến nhân nhầy thoát ra khỏi vị trí bình thường. Đĩa đệm tại vị trí L5 S1 cũng bị giảm tính đàn hồi và suy yếu sau nhiều năm cơ thể sinh hoạt và làm việc, cấu trúc xương thay đổi dần dẫn đến bị lệch ra khỏi vị trí.
- Do chấn thương: Những va chạm mạnh do tai nạn cũng là một nguyên nhân lớn gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm L5 S1. Những tổn thương do tai nạn làm ảnh hưởng đến xương cùng, xương đốt sống thắt lưng khiến cho bao xơ bị rách nứt.
- Do vận động sai tư thế: Bệnh nhân không chú ý đến việc đi đứng, ngồi, cúi người, ưỡn lưng dẫn đến sai tư thế cũng có thể gây ảnh hưởng đến cột sống.
- Do yếu tố di truyền: Thoát vị đĩa đệm L5 S1 có thể xuất phát từ các yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người bị bệnh xương khớp thì xác suất người thân mắc thoát vị cũng sẽ cao hơn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể phát sinh bởi một số dị tật bẩm sinh xương khớp từ nhỏ.
- Do tính chất công việc: Nhân viên văn phòng ngồi lâu, công nhân - người lao động chân tay phải làm những công việc nặng nhọc, mang vác vật nặng trong một thời gian dài sẽ làm tăng áp lực lên đốt sống lưng, dễ gây ra tình trạng thoát vị.
- Do thừa cân, béo phì: Bệnh nhân không kiểm soát được cân nặng dẫn đến thừa cân, béo phì gây áp lực lớn lên vùng thắt lưng L5 S1. Sau một thời gian dài bị đè nén bởi trọng lượng cơ thể, các đĩa đệm bị tổn thương và lệch ra khỏi vị trí bình thường.
Triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm L5 S1
Để sớm phát hiện ra bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời, người bệnh nên xác định và căn cứ vào các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm L5 S1 như sau:
- Đau nhức tại thắt lưng lan xuống mông: Đây là một trong những triệu chứng điển hình của căn bệnh này. Thoát vị đĩa đệm L5 S1 xảy ra tại đĩa đệm ở vị trí thắt lưng nên đây là vùng trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các cơn đau của bệnh. Cơn đau còn lan rộng xuống vùng mông và phần chi dưới.
- Đau nhức dọc từ hông xuống đùi, bắp chân và bàn chân: Thoát vị đĩa đệm L5 S1 còn gây chèn ép các dây thần kinh, đặc biệt là dây thần kinh tọa chạy từ thắt lưng qua mông xuống bàn chân. Từ đó, chúng gây ra các cơn đau rộng hơn tới tận bắp chân và bàn chân.
- Tê cứng và mất cảm giác ở chân: Thoát vị đĩa đệm L5 S1 gây chèn ép dây thần kinh L5, đây là dây thần kinh liên kết với chân nên khi bị tổn thương sẽ gây đau nhức và tê cứng phần chân và mu bàn chân. Trong trường hợp nặng có thể dẫn đến mất cảm giác ở chân hoặc rối loạn vận động.
- Vận động khó khăn: Đây là biểu hiện rõ rệt nhất ở những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Các cơn đau nhức, xơ cứng gây cản trở các cử động đơn giản như vặn người, đi lại, gập người.
- Sức mạnh cơ bắp bị giảm: Thoát vị đĩa đệm xảy ra tác động nhiều tới cơ bắp và chi dưới khiến người bệnh khó khăn khi đi lại đặc biệt là các hoạt động leo thang bộ hoặc đi trên mặt phẳng dốc.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh thoát vị đĩa đệm L5 S1
Bệnh thoát vị đĩa đệm L5 S1 có thể để lại những biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không có biện pháp chữa trị kịp thời như sau:
- Thoái hóa đốt sống: Lực ma sát giữa các đốt sống tăng lên do các đầu sụn bị bào mòn bởi thoát vị đĩa đệm. Lâu ngày, người bệnh sẽ bị thoái hóa đốt sống nếu không được chữa trị kịp thời.
- Hội chứng chùm đuôi ngựa: Thoát vị đĩa đệm L5 S1 gây chèn ép dây thần kinh, nặng hơn là gây đau rễ thần kinh hoặc rễ thần kinh có thể bị đứt. Khi ấy, chức năng của rễ thần kinh bị yếu đi mà mất kiểm soát gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa làm tăng các cơn đau từ thắt lưng tới hông và mông.
- Rối loạn chức năng bài tiết: Thoát vị đĩa đệm L5 S1 kéo dài còn gây ảnh hưởng tới các cơ co thắt gây ảnh hưởng xấu tới khả năng bài tiết. Ở tình trạng nặng, bệnh nhân có thể bị mất khả năng kiểm soát sự bài tiết, rối loạn đại tiểu tiện.
- Bại liệt: Thoát vị đĩa đệm L5 S1 làm hạn chế khả năng vận động, đi lại của người bệnh. Về lâu dài, do ít vận động các cơ sẽ bị teo dần và suy yếu, làm tăng nguy cơ bị tàn phế, bại liệt ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống.
Chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm L5 S1
Để tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm trên, người bệnh cần đến ngay trung tâm y tế uy tín để thăm khám khi có dấu hiệu của bệnh. Tại đây, các bác sĩ chuyên môn sẽ tiến hành thực hiện một số chẩn đoán quan trọng để xác định tình trạng của bệnh như sau:
Khám lâm sàng
- Khám cột sống thắt lưng: Đầu tiên, bác sĩ sẽ quan sát và kiểm tra vùng cột sống thắt lưng, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của thoát vị đĩa đệm L5 S1. Vùng này sẽ có các dấu hiệu sưng đỏ, nóng, tay nhấn vào thì thấy đau.
- Kiểm tra khả năng vận động: Bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số động tác nhằm đánh giá khả năng hoạt động của chi dưới như nâng chân, co duỗi chân. Hoặc một vài động tác ở lưng và hông như cúi người để đánh giá chức năng của hai vùng này bị ảnh hưởng như thế nào.
- Kiểm tra thần kinh: Người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện các động tác giữ thăng bằng khi đi bằng mũi chân để bác sĩ xác định được tổn thương và những triệu chứng không ổn của dây thần kinh.
Xét nghiệm
Sau bước khám lâm sàng, bệnh nhân được chuyển qua làm các xét nghiệm hình ảnh để việc chẩn đoán trở nên hiệu quả và chính xác hơn. Bạn cần thực hiện các xét nghiệm sau:
- Chụp X- Quang: Đây là biện pháp xét nghiệm nhằm xác định những vùng, điểm bất thường tại khu vực cột sống thắt lưng như gai xương, hẹp cột sống.
- Chụp Cộng hưởng từ MRI: Chụp cộng hưởng từ giúp bác sĩ xác định cụ thể vị trí bị tổn thương, mức độ tổn thương của dây thần kinh, mạch máu, xương khớp tại vùng bị chèn ép ra sao.
- Chụp CT: Phương pháp xét nghiệm này sẽ cho kết quả hình ảnh nhanh chóng về máy tính một cách chi tiết giúp bác sĩ tiến hành phân tích những điểm bất thường trong khu vực bị ảnh hưởng của thoát vị đĩa đệm.
Điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm L5 S1
Dựa vào kết quả chẩn đoán và kết luận bệnh, bác sĩ sẽ đưa một số phương pháp điều trị cho bệnh nhân như sau:
Sử dụng thuốc Tây y
Đa số các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm L5 S1 ở giai đoạn đầu đều được các bác sĩ yêu cầu sử dụng một số loại thuốc Tây y dưới đây để làm giảm các cơn đau nhức.
- Thuốc giảm đau: Để giảm đau nhanh chóng bác sĩ thường chỉ định Paracetamol cho bệnh nhân.
- Thuốc chống viêm không steroid: Bên cạnh đó, để chống viêm nhiễm, các bác sĩ sẽ kê thêm cho bệnh nhân một số loại thuốc như: Naproxen, ibuprofen, aspirin, diclofenac.
- Thuốc giãn cơ: Để cải thiện tình trạng cơ cứng, co thắt, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc như Baclofen, Mydocalm, Dantrolene,.…
- Thuốc giảm đau thần kinh và thuốc bổ: Để làm giảm các cơn đau bác sĩ còn có thể kê cho bạn một số loại thuốc như B6, B1, B12 hoặc thuốc giảm đau thần kinh Neurontin.
Lưu ý: Bạn chỉ được sử dụng các loại thuốc Tây y này dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý dùng. Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho dạ dày, gan và thận nếu lạm dụng.
Vật lý trị liệu
Đây là phương pháp được các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân áp dụng bởi những ưu điểm như an toàn, giảm đau và sưng viêm tốt, hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm L5 S1 hiệu quả. Các biện pháp vật lý trị liệu mà bạn có thể tham khảo như:
- Chườm nóng hoặc lạnh
- Đai treo kéo giãn cột sống
- Điện trị liệu: Siêu âm, sóng ngắn, tia laser,...
- Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, giác hơi,...
- Các bài tập, động tác trị liệu tác động lên cột sống thắt lưng, cơ bụng, cơ đùi, cơ mông.
Bài thuốc dân gian
Có rất nhiều bài thuốc dân gian được truyền tai nhau có công dụng hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm L5 S1 rất hiệu quả mà người bệnh có thể áp dụng, trong đó phải kể đến các bài thuốc điển hình từ cây ngải cứu và lá lốt.
Để thực hiện bài thuốc này bạn chỉ cần lấy một nắm to lá lốt và cây ngải cứu rửa sạch, để ráo nước, cắt khúc nhỏ rồi đem giã dập. Sau đó tiến hành xao hỗn hợp các lá trên trong chảo nóng khoảng 5 -7 phút, bỏ thêm một chút muối hạt. Cuối cùng, dùng hỗn hợp lá trên để nguội bớt rồi đắp trực tiếp lên vùng thắt lưng bị thoát vị. Kiên trì thực hiện phương pháp này hàng ngày khoảng 1-2 tháng để thấy hiệu quả giảm đau rõ rệt.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm L5 S1 chỉ được chỉ định khi tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả nào cho bệnh nhân và tình trạng đau thắt lưng vô cùng trầm trọng. Một số biện pháp phẫu thuật có thể được thực hiện tùy vào từng tình trạng như: Mổ hở, mổ nội soi, phẫu thuật mini- COD,... Phẫu thuật luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên bệnh nhân cần cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn.
Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm L5 S1
Để hỗ trợ việc điều trị thoát vị đĩa đệm L5 S1 cũng như phòng ngừa bệnh xương khớp, chúng ta cần thực hiện các lưu ý sau trong quá trình làm việc và sinh hoạt mỗi ngày:
- Không nên ngồi hoặc đứng quá lâu trong một thời gian dài, cứ sau 1-2 tiếng nên vận động, đi lại nhẹ nhàng
- Giữ cột sống được thẳng trong quá trình sinh hoạt và làm việc
- Nên thay đổi tư thế từ từ, tránh mang vác vật nặng đột ngột
- Không luyện tập thể thao quá sức hoặc khi thể trạng đang yếu
- Với những người phải làm công việc nặng nhọc thì cần có tư thế làm việc đúng cách, hạn chế lực từ lưng và đầu gối.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin tốt cho xương khớp, tránh các thực phẩm chứa các chất kích thích như rượu, bia,...
- Có chế độ tập luyện phù hợp với thể trạng hàng ngày
- Nên đến bệnh viện uy tín kiểm tra khi thấy có dấu hiệu xương khớp bất thường.
Vừa rồi là những nội dung chia sẻ về bệnh lý thoát vị đĩa đệm L5 S1 hy vọng sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho người bệnh. Các bạn nên theo dõi sức khỏe thường xuyên, sớm phát hiện những biểu hiện lạ bệnh lý xương khớp, đến trung tâm y tế uy tín để thăm khám và có phương hướng điều trị phù hợp một cách kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng xảy ra ảnh hưởng đến cuộc sống. Chúc các bạn luôn có một sức khỏe tốt.